TTTĐ - Bền bỉ nỗ lực, vun đắp, không ít gia đình người khiếm thị đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, các thành viên thành công trên nhiều lĩnh vực. Họ là những người có nghị lực phi thường, vượt qua khuyết tật của cơ thể để hạnh phúc.

Mang vinh quang về cho Tổ quốc

Vợ chồng anh Đỗ Đức Sinh (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có 3 thành viên: Anh Sinh là người khiếm thị, cùng vợ và con. Người đàn ông khiếm khuyết này rất đam mê thể thao và tích cực luyện tập. Dù cho các bài tập có khó đến đâu, yêu cầu của huấn luyện viên cao thế nào, anh vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt.

Nhờ sự kiên trì, bền bỉ đó, anh Sinh đã trở thành vận động viên chuyên nghiệp của Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật thành phố Hà Nội, thường xuyên tham gia các giải thi đấu dành cho người khuyết tật toàn quốc, cũng như các giải mở rộng. Qua đó, anh dành được hàng chục tấm huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi đấu.

 

Ảnh: Các gia đình người khiếm thị được tuyên dương

Đồng thời, sau những giờ luyện tập chăm chỉ, anh Sinh còn làm nghề xoa bóp, tẩm quất, với đôi bàn tay khéo léo, thái độ nhiệt tình, hết lòng với khách hàng nên thu nhập của anh ổn định. Anh là hội viên gương mẫu, tích cực đi đầu trong các phong trào hoạt động của Hội và được nhiều khen thưởng.

Anh Đinh Tuấn Sơn (ở quận Đống Đa, Hà Nội) là người khiếm thị, có vợ và hai con. Anh ít có thời gian dành cho vợ, con do bận lịch luyện tập và thi đấu dày đặc, bởi là vận động viên cờ vua. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình vẫn luôn kết nối, hạnh phúc. Anh Sơn thường xuyên có mặt ở các cuộc thi trong nước, quốc tế, mang về nhiều huy chương danh giá cho đơn vị và quốc gia.

Năm 2023, từ những thành tích cao đạt được trong lĩnh vực thể thao, anh vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Anh cho biết, phía sau những thành tích đạt được đó có điểm tựa vô cùng vững chắc, tràn ngập yêu thương là người vợ - là một cán bộ công chức, cùng hai cậu con trai hiểu chuyện. “Vợ và con luôn là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi cố gắng chinh phục những đỉnh vinh quang”, anh Đinh Tuấn Sơn bày tỏ.

Chồng tài năng, vợ giỏi giang, con ngoan ngoãn

Vợ chồng anh Hoàng Văn Lý, chị Phạm Ngọc Dung là những cái tên rất quen thuộc trong cộng đồng người khiếm thị, thông qua các phong trào, hoạt động mà họ góp mặt. Với vai trò Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm và cũng là một nhà báo gạo cội của những người khiếm thị, anh Lý đã có nhiều sáng tạo trong các hoạt động, viết bài qua bút danh Hoàng Lý.

Đồng hành cùng người bạn đời giỏi giang như thế, chị Phạm Ngọc Dung cũng tỏa sáng, với niềm đam mê lan tỏa bộ môn khiêu vũ thể thao và các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Ảnh: Gia đình anh Hoàng Văn Lý chia sẻ

Mặc dù rất bận rộn, lại không nhìn thấy ánh sáng nhưng tổ ấm của anh, chị và hai con gái nhỏ vẫn luôn được sưởi bằng tình yêu đong đầy. Hai con của anh, chị là: Hoàng Thùy Dương và Hoàng Minh Ngân luôn tích cực tham gia các hoạt động tập thể; cùng tham gia cuộc thi Khiêu vũ thể thao - Bước nhảy xóa mọi khoảng cách.

Anh Nguyễn Văn Đức (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một tấm gương nghị lực phi thường. Không chỉ mất đi đôi mắt mà anh còn mất đi cả hai bàn tay. Dù vậy, anh vẫn có thể sử dụng tốt máy tính, điện thoại thông minh, tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ. Hơn thế, anh Đức còn vượt lên chính mình để hoàn thành tốt chương trình đại học, chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

Vợ anh làm việc tại Bệnh viện 19-8 Bộ Công an; con trai lớn học năm thứ 4 Đại học FPT; con gái học lớp 8 liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến…

Tình yêu thương, khích lệ: Nguồn sức mạnh to lớn

Gia đình anh Đỗ Như Tuấn, chị Nguyễn Thị Nga (ở quận Ba Đình, Hà Nội) gồm 5 thành viên. Cả hai vợ chồng anh, chị đều không nhìn thấy ánh sáng nhưng luôn chăm chỉ làm việc, có nguồn thu nhập đều đặn, nuôi dạy 3 đứa con ngoan ngoãn, học tập tốt.

Anh Tuấn, chị Nga phải bươn chải mưu sinh, lo toan hết công việc cũng như nuôi dưỡng con cái. Cuộc sống đối với nhiều người sáng mắt đã khó khăn, với vợ chồng khiếm thị này càng khó khăn gấp bội.

Ảnh: Chị Phạm Ngọc Dung và những người khiếm thị năng động, "phá kén" để vượt lên số phận

Từ năm 2005, có tay nghề xoa bóp tẩm quất, anh, chị đã mạnh dạn vay mượn từ hai bên gia đình, bạn bè, cũng như sự hỗ trợ của tổ chức Hội Người mù thành phố Hà Nội thông qua nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và mở một cơ sở dịch vụ tẩm quất. Chị Nga trực tiếp quản lý, tạo thu nhập ổn định cho gia đình và nhiều người đồng tật. Còn anh Tuấn hiện nay là giáo viên dạy nghề tại Trung tâm phục hồi chức năng của Trung ương Hội Người mù Việt Nam.

Với những cố gắng không ngừng nghỉ ấy, nhiều năm liền anh chị được các cấp Hội và địa phương khen thưởng danh hiệu “Người tốt việc tốt” cấp cơ sở và “Gia đình văn hóa”.

Gia đình người khiếm thị thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống hằng ngày. Từ việc di chuyển, học tập, đến việc làm và hòa nhập cộng đồng, họ gặp nhiều trở ngại hơn so với người bình thường. Tuy nhiên, những khó khăn đó không thể ngăn cản họ vươn lên và đạt được những thành tựu đáng kể.

Họ đều chia sẻ rằng, một yếu tố quan trọng giúp họ vượt qua mọi khó khăn chính là sự kiên trì và quyết tâm. Họ không chấp nhận số phận, luôn tìm cách để cải thiện cuộc sống. Sự yêu thương, chăm sóc, khích lệ từ người thân là nguồn sức mạnh to lớn, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

Nguồn: Lê Dung - https://tuoitrethudo.vn