(LĐ&PL) Hội người mù thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” (1992-2022); biểu dương “Người tốt, việc tốt”, khen thưởng cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” năm 2022.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong những năm qua, Hội người mù Thành phố đã lãnh đạo, động viên các tổ chức thành viên, người khiếm thị Thủ đô ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra, góp phần cùng với các cấp các ngành thực hiện việc thúc đẩy sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Đặc biệt, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” được gắn với nhiệm vụ chính trị, các chương trình công tác đặc thù của Hội và việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng”, “Hai vượt, bốn rèn, năm phấn đấu” do tổ chức Hội phát động… vừa tạo khí thế thi đua sôi nổi hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của tổ chức Hội vừa động viên kịp thời những cán bộ, nhân viên, hội viên có nhiều việc làm hay, ý nghĩa.

Các tấm gương “Người tốt, việc tốt” và vận động viên khiếm thị có thành tích cao trong kỳ Asean Para Games 2022

giao lưu, chia sẻ về nghị lực để vượt lên chính mình, góp ích cho cộng đồng, xã hội.

Thông qua việc triển khai phong trào thi trong tổ chức Hội đã khơi dậy ý thức tự giác, sáng tạo của cán bộ, hội viên bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực công tác của Hội, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô.

Cùng với việc triển khai phong trào thi đua, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến luôn được Hội người mù Thành phố quan tâm, chỉ đạo và coi đây là một trong những động lực tinh thần quan trọng để thi đua khen thưởng đi vào cuộc sống của cán bộ, hội viên, người khiếm thị.

Cạnh đó, Hội người mù Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng về những nhân tố mới, những gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu nhất trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ trọng tâm của Thành Hội.

Tại Hội nghị, các tấm gương “Người tốt, việc tốt” và vận động viên khiếm thị có thành tích cao trong kỳ Asean Para Games 2022 đã cùng giao lưu, chia sẻ về nghị lực để vượt lên chính mình, góp ích cho cộng đồng, xã hội.

 

Đó là chị Đỗ Thúy Hà - tấm gương “Người tốt, việc tốt” trong việc vận động hỗ trợ các cháu khiếm thị trong học tập và đưa khiêu vũ thể thao đến với người khiếm thị. Chị đã kết nối với các tổ chức, cá nhân ở Nhật Bản để xin học bổng cho các em học sinh là người khiếm thị, từ đó mang lại cơ hội để các em học tập tốt hơn. Ngoài ra, chị cũng đã mạnh dạn đưa hoạt động khiêu vũ đến với người khiếm thị giúp nâng cao đời sống tinh thần của người khiếm thị.

Hội Người mù thành phố Hà Nội khen thưởng các tấm gương "Người tốt, việc tốt".

Chia sẻ tại chương trình giao lưu, thầy giáo khiếm thị Nguyễn Trung Thái cho biết, cách đây 23 năm, căn bệnh bong võng mạc đã khiến anh không còn nhìn thấy ánh sáng. Thời điểm đó, anh sống trong nỗi mặc cảm, tự ti, không muốn tiếp xúc với mọi người. Chỉ đến khi anh tham gia vào Hội người mù thành phố Hà Nội, anh mới tìm lại được sự tự tin và có nhiều động lực để phấn đấu.

Năm 2006, anh Thái bắt đầu làm quen với máy tính. Được sự dìu dắt của các thầy, anh thành thạo những nút phím, chuột máy tính, gắn bó với công nghệ thông tin và chính thức trở thành giáo viên giảng dạy tin học, sử dụng điện thoại thông minh miễn phí cho người khiếm thị.

Anh Thái chia sẻ: “Người khiếm thị học và sử dụng công nghệ rất khó khăn. Tôi áp dụng kinh nghiệm, kiến thức của mình sẵn có, truyền đạt và giúp đỡ những người đồng tật. Chặng đường của tôi đi đầy những khó khăn và cũng đầy niềm vui, trải nghiệm. Mỗi lớp hoàn thành, mỗi một học viên khiếm thị biết được công nghệ, sử dụng được máy tính và điện thoại thông minh là niềm vui của tôi lại nhân lên”.

Tại chương trình giao lưu, vận động viên khiếm thị Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, chị không may mắn bởi hai mắt đều bị giảm thị lực do thoái hóa võng mạc sắc tố. Năm 2015, chị được thử sức thi đấu cờ vua. Từ đó đến nay, chị thường xuyên được thi đấu ở các Đại hội thể thao thường niên của người khuyết tật, giải đấu nào chị cũng đoạt từ 2 - 4 huy chương. Đặc biệt, năm 2022 lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia ở bộ môn cờ cua thi đấu ở ASEAN Para Games lần thứ 11 vừa tổ chức tại Indonesia, chị đã đoạt 02 huy chương Vàng, 01 huy chương Bạc cá nhân, 03 huy chương Vàng đồng đội.

Chia sẻ của những tấm gương “Người tốt, việc tốt”, vận động viên là người khiếm thị đã tạo thêm động lực để những người đồng tật tiếp tục cố gắng vươn lên trong cuộc sống, phấn đấu trong học tập, lao động sản xuất; đồng thời cũng giúp cộng đồng, xã hội hiểu hơn về người khiếm thị - những con người “tàn nhưng không phế”.

Nhân dịp này, đã có 3 gương “Người tốt, việc tốt” được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khen thưởng cấp Thành phố; 27 gương “Người tốt, việc tốt” được Hội người mù Thành phố khen thưởng. Ngoài ra, Hội người mù Thành phố cũng đã khen thưởng 6 cá nhân có thành tích trong cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” năm 2022 và 5 cá nhân có thành tích trong kỳ Asean Para Games 2022.

 

Mai Quý

(nguồn: Báo Lao động&Pháp luật)