Sáng ngày 4/1/2023, nhân kỷ niệm 214 năm ngày sinh của ông Louis Braille (04/01/1809 - 04/01/2023), Hội Người mù (HNM) huyện tổ chức hội nghị nói chuyện về nguồn gốc ra đời của chữ nổi Braille.

 

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương Phó chủ tịch HNM Ứng Hòa  chia sẻ tại Hội nghị

Tham dự hội nghị, hơn 30 đại biểu là cán bộ, hội viên hội người mù huyện đã được nghe đồng chí Nguyễn Thị Thu Hương, phó chủ tịch HNM huyện nói chuyện, chia sẻ về bối cảnh ra đời, quá trình hình thành và phát triển của chữ nổi Braille; những nét cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của Louis Braille, người phát minh ra chữ nổi Braille, chữ viết của những người khiếm thị; chữ nổi Braille du nhập vào Việt Nam vào thời gian nào và trường học chữ nổi đầu tiên tại Việt Nam… Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã cùng chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi học và sử dụng chữ nổi.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Viết Cường chủ tịch HNM Ứng hòa chia sẻ tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Viết Cường chủ tịch HNM huyện cho biết: “mặc dù hiện nay khoa học đã phát triển tạo ra nhiều các công cụ hỗ trợ cho người khiếm thị như: máy tính, điện thoại thông minh và các phần mềm đọc màn hình để hỗ trợ người khiếm thị trong việc đọc, viết và tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả nhưng chữ nổi vẫn còn nguyên giá trị và không gì có thể thay thế được”. Nói như vậy bởi khi người khiếm thị sử dụng xúc giác để sờ đọc tài liệu dưới dạng chữ nổi sẽ ghi nhớ, lưu giữ thông tin trong não lâu hơn, sâu sắc hơn, cụ thể và rõ ràng hơn so với nghe bằng đôi tai. Hiểu biết, nắm chắc nguồn gốc ra đời, quá trình hình thành phát triển của chữ nổi Braille sẽ giúp hội viên trân trọng và nỗ lực cố gắng mỗi ngày trong học tập và rèn luyện để thêm sự tự tin, sống có ích, có trách nhiệm với cộng đồng ./.

                                              Ngọc Hà