Nhân “Tháng thanh niên”, ngày 24 tháng 03 năm 2023, cụm thi đua số 5 trực thuộc Hội người mù Hà Nội gồm các đơn vị: Hội Người mù huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất,  Phúc Thọ, Sơn Tây và Ba  Vì đã tổ chức chuyến thăm một số địa chỉ đỏ kết hợp với du lịch thiên nhiên cho 31 cán bộ, hội viên.

Sau hơn 2 giờ,  xe đã ở lưng chừng núi, bềnh bồng trong sương mờ ảo, cả đoàn như lạc vào thế giới cổ tích.  Chúng tôi đặt chân đến vườn quốc gia Ba Vì lúc 8 giờ 20 phút, không khí ở đây thật trong lành, những cánh rừng thông bạt ngàn, tiếng chim hót râm ran... tạo cảm giác thanh bình. Thiên nhiên và con  người thật gần gũi. Ở đây là khu vực nghỉ dưỡng của quan lại và gia đình người Pháp trước kia. Những công trình mang kiến trúc phương Tây được xây dựng hàng trăm  năm trước vẫn còn đó. Hiện nay nhiều  khu nhà nghỉ cao cấp của các doanh nghiệp và cá nhân đang mọc lên minh chứng cho sự phát triển của đất nước.

Ảnh 1: Đoàn thăm Vườn quốc gia Ba Vì

Tạm biệt vườn quốc gia, đoàn leo hơn 500 bậc trước khi đặt chân lên Đền thượng có độ cao 1.227 m so với mực nước biển. Nơi đây thờ thánh Tản viên Sơn. Theo truyền thuyết đây là vị anh hùng đã có công  trong việc trị thủy, mang lại cuộc sống ấm no thanh bình cho muôn dân.

Ảnh 2: Đoàn thăm Đền Thượng

Trong kế hoạch, hành trình của đoàn  sẽ dừng chân tại khu di tích lịch sử đá chông hay còn gọi là khu K9 để có nhiều thời gian và lưu lại lâu nhất. Toàn bộ diện tích của khu vực này rộng 234 ha nằm trên địa bàn xã Minh Quang huyện Ba Vì.  Sau khi đã thắp hương tại nhà tưởng niệm Bác,theo chân hướng dẫn viên đoàn đi thăm 4 điểm trong khu K9 đó là: nhà sàn  được mô phỏng theo kiến trúc nếp nhà sàn của Bác ở Thủ đô; quần thể đá có hình  nhọn hoắt, dương cao như những mũi chông điều này giải thích tại sao địa danh này có tên là đá chông. Nơi đây Bác đã ngồi nghỉ và dùng bữa trưa; Tiếp đến là chiếc xe u oát đã trở thi hài Bác và cuối cùng là phòng bảo quản thi hài  Người trong 6 năm từ 1969 đến 1975. Đây được coi là lăng số 1, mọi thành viên trong đoàn ai nấy đều rưng rưng trước những di vật đã từng gắn bó với Bác.

Ảnh 3: Đoàn thăm khu di tích K9

Xúc động trước những câu chuyện về Bác được hướng dẫn viên kể lại, anh Nguyễn Huy Việt- Chủ tịch HNM Hoài Đức chia sẻ: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến đây và cũng không phải lần đầu được nghe những câu chuyện về Bác Hồ. Nhưng không hiểu sao mỗi lần nghe kể chuyện về Bác trong tôi lại trào dâng niềm xúc động và sự tự hào, tôn kính dành cho Bác. Tôi luôn biết ơn và thấm thía lời dạy vàng ngọc “Tàn nhưng không phế” của Bác dành cho những người khiếm thị chúng tôi, tôi luôn tự nhủ sẽ thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân để thực hiện tốt lời Bác đã dạy; Có thế tôi mới có thể giúp đỡ được nhiều hơn cho những người đồng tật của mình…”

Qua chuyến đi giúp cán bộ, hội viên nâng cao lòng tự tôn dân tộc,  càng thêm kính yêu Bác - một người con ưu tú của đất Việt đã cống hiến trọn đời vì  nền độc lập, tự do cho dân tộc,  vì hạnh phúc nhân dân, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết vốn có giữa các đơn vị trong cụm và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, cùng nhau đóng góp  xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

 

Đàm Quyết Tiến