Kinhtedothi - Câu tục ngữ “giàu hai con mắt” nói lên sự quan trọng và cần thiết của đôi mắt trong cuộc sống. Vượt qua bóng tối, vượt qua số phận, nhiều tấm gương khiếm thị ở Hà Nội đã vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.

Ngày 4/4, Hội Người mù Hà Nội tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống (4/4/1994 - 4/4/2024). Đây là một trong những câu lạc bộ ra đời sớm, hoạt động hiệu quả, trở thành “ngôi nhà chung” của cộng đồng người khiếm thị ở Thủ đô.

Ảnh: Các khách mời giao lưu, trò chuyện tại chương trình. Từ trái qua phải: MC Hoàng Văn Lý - Chủ tịch Hội người mù quận Hoàn Kiếm; ông Trần Trung Hiếu - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống Chu Thị Thu Hà - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội; ông Trần Văn Hoan - Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa

Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống tập hợp các hội viên khiếm thị nuôi dưỡng ước vọng vượt khó vươn lên bằng tri thức, nghị lực và niềm tin. Tham gia sinh hoạt, các hội viên cùng giao lưu, trao đổi, chia sẻ, giúp đỡ nhau về nhiều mặt, để mỗi người vững tin hướng về tương lai bằng khả năng của chính họ. Nhờ đó, không ít hội viên đã vượt lên số phận, làm chủ cuộc sống của bản thân, trở thành điểm tựa cho người đồng tật.

Có thể kể đến ông Trần Trung Hiếu - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù Hà Nội). Từ kinh nghiệm tích lũy của bản thân, ông Trần Trung Hiếu đã trao truyền kỹ năng nghề nghiệp cho nhiều thế hệ học trò người khiếm thị. Hiện, nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định từ nghề đã học, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ấn tượng hơn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống Chu Thị Thu Hà - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội. Bằng sự tự tin, sáng tạo, nói đi đôi với làm, bà Chu Thị Thu Hà đã làm tốt vai trò “chèo lái”, đưa câu lạc bộ ngày càng phát triển, được nhiều người biết đến, đánh giá cao.

Ảnh: Ngày 4/4, Hội Người mù Hà Nội tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống

Ai bảo cuộc sống của người khiếm thị chỉ có màn đêm? Đối với ông Trần Văn Hoan - Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, nhịp sống của một người khiếm thị như ông chẳng khác người bình thường là mấy, cũng tất bật với công việc, họp hành, quán xuyến gia đình, con cái - có khác chăng ông chỉ gắn liền với chiếc kính đen.

“Giờ người mù được đi học đại học, được tạo điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, có ứng dụng gì mới đều được phổ biến, được đi nước ngoài nhiều…” – ông Trần Văn Hoan chia sẻ.

Tiếp bước thế hệ trước trên bước đường giáo dục nghề nghiệp là ông Nguyễn Trung Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù Hà Nội). Trở thành người thầy truyền đạt kiến thức công nghệ thông tin cho các thế hệ người khiếm thị, ông Nguyễn Trung Thái có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong các bài giảng, chủ động bồi đắp, thắp sáng niềm tin vào tương lai cho các học viên.

Ảnh: Người khiếm thị giao lưu tại chương trình

Trên cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, ông Nguyễn Trung Thái đã chủ động phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị chức năng, các tổ chức tìm hướng mang đến cơ hội việc làm, hòa nhập cho người khiếm thị.

MC chương trình là ông Hoàng Văn Lý - Chủ tịch Hội người mù quận Hoàn Kiếm, cũng rất nổi danh trong giới người khiếm thị, với đam mê làm báo. Vợ ông là Phạm Ngọc Dung - hội viên tài năng của Hội Người mù quận Thanh Xuân, giành được nhiều thành tích trong các lĩnh vực thể thao, văn hoá văn nghệ...

Phát huy kết quả đạt được, trong chặng đường phát triển phía trước, Câu lạc bộ Tri thức và Đời sống tiếp tục phát triển, thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt với các nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, chú trọng tới việc trao truyền cho hội viên kỹ năng hòa nhập phù hợp với sự phát triển không ngừng của xã hội.

Nguồn: kinhtedothi – Hồng Thái